Thực trạng chế biến long nhãn ở Hưng Yên 2015

Chế biến long nhãn ở Hưng Yên 2015: sản xuất cầm chừng, thị trường ảm đạm

Năm 2015, số lượng các hộ gia đình sản xuất long nhãn tại Hưng Yên giảm sút, hầu hết các hộ gia đình chỉ sản xuất cầm chừng, chờ giá long nhãn lên cao

Tin liên quan:

Chế biến long nhãn là một nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân tại Hưng Yên.  Đã thành một thông lệ, cứ vào cuối tháng 6 âm lịch, khi các vườn nhãn ở Hưng Yên bắt đầu chín rộ là lúc một mùa nhãn mới lại bắt đầu. Khi ấy, các lò chế biến long nhãn lại bắt đầu “nổi lửa”, các bà, các chị, các em lại í ới rủ nhau đi xoáy long nhãn, tiếng cười nói, tiếng xe cộ tấp lập vào ra khiến cho không khí của làng nghề càng thêm vui vẻ và nhộn nhịp. Tuy nhiên, khác với không khí mọi năm, năm nay, việc sản xuất và chế biến long nhãn ở Hưng Yên lại trở nên khá trầm lắng

Nếu chưa biết về loại thực phẩm này, bạn có thể tìm hiểu chi tiết khái niệm về long nhãn qua bài viết dưới đây

Thực trạng chế biến long nhãn ở Hưng Yên 2015

Nghề chế biến long nhan ở Thủ Sỹ, Phương Chiểu, Hồng Nam (Hưng Yên) đã có hơn 30 năm nay, nó là công việc thời vụ, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động trên địa bàn trong và ngoài xã. Thế nhưng, ghé thăm làng nghề chế biến long nhãn ở Phương Chiểu năm nay, chúng tôi cảm nhận được không khí làng nghề khá im ắng và vắng vẻ hơn so với mọi năm

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái (chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phương Chiểu cho hay): “Vào thời điểm “huy hoàng” của làng nghề, mùi mật ngọt của nhãn sấy dẻo tỏa ra từ khắp các hộ gia đình trong xã. Lúc ấy, cả xã tôi có ngót nghét 300 hộ làm nghề, mang đến doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ của long nhãn Hưng Yên gặp khó khăn cho nên nhiều hộ gia đình đã chuyển sang loại hình kinh doanh khác và không còn gắn bó với nghề nữa.Cùng với đó, nhãn lồng Hưng Yên năm nay mất mùa, lượng nhãn đầu vào không đủ cung cấp cho các hộ chế biến nên tỷ lệ các hộ gia đình sản xuất long nhãn cũng vì thế mà sụt giảm”

Theo đánh giá chung của các hộ gia đình làm nghề, năm nay, giá nguyên liệu đầu nhãn lồng đặc sản Hưng Yên vào dao động từ 12-14 nghìn/kg, cao gấp rưỡi so với mọi năm. Bà Nguyễn Thị Mai (thôn Ba Hàng, Thủ Sỹ, Tiên Lữ) cho biết: “Năm nay, nguồn nhãn nguyên liệu cung cấp trên thị trường tương đối hạn chế, giá than, giá thuê nhân công cao, giá long nhãn lại lên xuống bấp bênh,.. Nhẩm tính để có được 1kg long nhan thì chi phí thành phẩm cũng lên tới 180 nghìn đồng, trong khi đó giá bán long nhãn hiện nay chỉ khoảnag 160 nghìn/kg. Có thể thấy, nếu sản xuất như hiện nay, mỗi tạ long nhãn thành phẩm chúng tôi sẽ bị lỗ 2 triệu đồng, đó là còn chưa kể công sức, thời gian mà cả gia đình chúng tôi (4 người) bỏ ra để làm nghề. Vì thế, không chỉ tôi mà các gia đình khác đều sản xuất cầm chừng và không bán ngay để chờ giá long lên. Đấy là nhà tôi có vốn để làm, chứ một số hộ gia đình khác đi vay vốn ngân hàng để làm thì như ngồi trên đống lửa, bán không được mà ủ thì cũng không xong (bán thì lỗ mà ủ thì hết vốn). Cứ theo đà này thì nhiều gia đình trong xã tôi sẽ phải “dập lò”

Hiện nay, các sản phẩm long nhãn Hưng Yên nói chung chủ yếu được các thương lái thu mua rồi bán sang Trung Quốc, lượng tiêu thụ ở trong nước đối với sản phẩm này thường không đáng kể (chủ yếu được sử dụng để làm quà tặng và làm thuốc). Vì thế, giá long nhãn phụ thuộc rất nhiều vào thương lái Trung Quốc. Khi họ dùng chiêu trò, không mua nữa hoặc mua với số lượng cầm chừng thì giá long nhãn sẽ xuống và thị trường trở nên ế ẩm hơn. Không chỉ vậy, hiện tại, long nhãn Hưng Yên còn phải cạnh tranh với các nguồn long nhãn đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc (long nhãn rừng), giá thành rẻ hơn rất nhiều

Nghề chế biến long nhãn tại Hưng Yên mang tính thời vụ và tự phát, thị trường tiêu thụ lại hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài nên không thể làm chủ được giá cả. Tìm thị trường tiêu thụ ổn định và xây dựng một thương hiệu long nhãn Hưng Yên với những đặc trưng riêng là bài toán mà những người con tại Hưng Yên cần phải trả lời